Tổng đài CSKH: 18006090 Đường dây nóng: 091 4642628 Cấp cứu: 024 36402308
Không chủ quan với dị tật rò luân nhĩ ở trẻ em
Lượt xem: 3345
Chỉ là một lỗ nhỏ bé bằng đầu tăm xuất hiện ở vùng da mặt trước vành tai vùng rễ luân nhĩ của vành tai) tuy nhiên, dị tật bẩm sinh có tên gọi “Rò luân nhĩ” có thể kết hợp với những dị tật khác tạo thành những biến chứng nguy hiểm không những gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ. Theo ThS.BS Trịnh Thị Vân – Khoa Tai mũi họng – Bệnh viện Bưu điện, cha mẹ không nên chủ quan khi phát hiện con mình có dị tật này, nếu phát hiện nốt rò luân nhĩ bị sưng, viêm hay có mùi hôi thì cần đưa ngay trẻ đến khám chuyên khoa tai mũi họng, tuyệt đối không được tự điều trị tại nhà.

Bé Hoàng Kiến A. (4 tuổi) nhập viện trong tình trạng nốt rò luân nhĩ sưng viêm, có mùi hôi và tái phát nhiều lần khiến trẻ đau, sốt, khó chịu. Mẹ bé cho biết, ngay từ khi sinh ra, đã phát hiện trên gần vành tai phải của con có một lỗ nhỏ. Lúc đầu, có người còn bảo đây là dấu hiệu của những đứa trẻ có “tài lẻ” nên cha mẹ bé cũng không mấy để ý. Khi bé khoảng 3 tuổi, chỗ lỗ nhỏ có hiện tượng sưng tấy như một cái nhọt, có viêm và có mùi hôi nên bố mẹ tự nặn rồi bôi thuốc kháng sinh cho con. Tuy nhiên, sau đó chỗ viêm thường xuyên tái phát khiến bé đau, sốt, khó chịu. Lo lắng nên gia đình mới cho bé đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bé bị dò luân nhĩ, lỗ nhỏ phía trước vành tai thông vào bên trong và bám vào phần sụn vành tai. Do thói quen hay sờ tay lên tai, gãi tai hoặc bị nước rơi vào khi tắm gội nên lỗ rò luân nhĩ đã bị viêm nhiễm, sưng lên và bị tắc gây ra cảm giác ngứa, khó chịu. Chỗ dò của bé A. còn tiết ra chất bã đậu, có mùi hôi, bị bội nhiễm nên to dần, tạo thành áp-xe rò luân nhĩ. Do nốt dò luân nhĩ tái phát nhiều lần nên bác sĩ buộc phải chỉ định phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đường rò khắc phục tình trạng dễ bị nhiễm trùng tái phát. Phẫu thuật này đã được BS Vân trực tiếp thực hiện ngay sau khi bé A. đã điều trị khỏi tình trạng nhiễm trùng và viêm lỗ rò luân nhĩ.

Bác sĩ Vân cho biết, do đường rò dài và xoắn, nên việc loại bỏ toàn bộ đường rò bằng phẫu thuật khá khó khăn. Sau gần 1 giờ thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ đã trả lại cho bệnh nhân nhí một chiếc tai đẹp với lỗ dò đã được khắc phục hoàn toàn.

Bệnh nhi đã một chiếc tai đẹp với lỗ dò đã được khắc phục hoàn toàn.

Cũng theo ThS.BS Trịnh Thị Vân, rò luân nhĩ ở trẻ em là dị tật bẩm sinh nên công tác phòng ngừa viêm nhiễm chủ yếu là giữ vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, tuyệt đối không được bóp nặn tại vị trí lỗ rò của trẻ. Nhiều trường hợp trẻ có thể chung sống cả đời với dị tật rò luân nhĩ mà không xảy ra biến chứng gì ảnh hướng đến sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp rò luân nhĩ bị viêm, rỉ dịch, sưng đau, gây ra áp-xe xung quanh… như trường hợp bé A. ở trên nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến biến chứng. Tái phát nhiều lần viêm tai, áp-xe đường dò, đặc biệt nguy hiểm là viêm hoại tử sụn vành tai.

BS Vân đặc biệt lưu ý các bậc cha mẹ: khi thấy lỗ rò bị nhiễm trùng (sưng lên giống như mụn nhọt) thì không được dùng tay để nặn và dùng kháng sinh để điều trị, điều này vô cùng nguy hiểm và có thể làm cho bệnh nặng thêm, điều trị khó khăn hơn. Cách tốt nhất là đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, điều trị, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.