Tổng đài CSKH: 18006090 Đường dây nóng: 091 4642628 Cấp cứu: 024 36402308
Phẫu thuật cắt u tuyến nước bọt mang tai có sử dụng kính hiển vi hạn chế tối đa biến chứng liệt mặt
Lượt xem: 557
U tuyến mang tai (TMT) hay u tuyến nước bọt mang tai (TNBMT) là một dạng của u tuyến nước bọt, chiếm 65-80% khối u của tuyến nước bọt vùng đầu cổ, 20-30% khối u tuyến mang tai là ác tính. Trong các tuyến nước bọt thì tuyến mang tai là tuyến lớn nhất của cơ thể, nằm ở vùng góc hàm 2 bên. Bệnh gặp ở độ tuổi trung niên ở cả hai giới nam và nữ.

Theo ThS.BSCKII Lê Anh Đức - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bưu điện, có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh này như: do virus, do sỏi, biến đổi gen, tiếp xúc với tia xạ, hoặc do lối sống (hút thuốc, ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, cholesterol...)

* Triệu chứng lâm sàng: thường nghèo nàn

- Khối u lành tính: thường tiến triển chậm qua nhiều năm, không đau, da trên khối u nhẵn không bị thâm nhiễm, không có biểu hiện liệt dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII). Khối u to dần làm sưng phồng vùng góc hàm gây mất thẩm mỹ.

- Khối u ác tính: thường to nhanh, xâm lấn ra da hoặc thần kinh gây đau và liệt không hoàn toàn hoặc liệt hoàn toàn dây thần kinh mặt.

* Biến chứng của u tuyến nước bọt mang tai

+ U tuyến mang tai ác tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:

  • Chèn ép, xâm lấn dây thần kinh mặt gây liệt mặt.
  • Khi khối u di căn có thể gây ra các biến chứng ở đầu, cổ, phổi và cuối cùng dẫn đến tử vong.

+ Nguy cơ lớn nhất ở u tuyến mang tai lành tính là khả năng có thể biến đổi thành ác tính sau nhiều năm khối u xuất hiện ở vùng góc hàm. Do đó, người bệnh nên phẫu thuật loại bỏ khối u càng sớm thì càng giảm nguy cơ ung thư.

Cũng theo ThS.BSCKII Lê Anh Đức - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bưu điện, phẫu thuật là phương pháp cơ bản nhất trong điều trị u lành tính tuyến mang tai. Do tuyến mang tai có dây thần kinh VII chia nhánh sâu vào trong tuyến, vì thế trong phẫu thuật u lành tính tuyến mang tai cần lưu ý bảo tồn được dây thần kinh VII, tránh biến chứng bị liệt mặt sau phẫu thuật. Tuỳ vào vị trí, tính chất khối u, bác sĩ sẽ quyết định thực hiện phẫu thuật phù hợp như:

- Phẫu thuật lấy u tuyến mang tai

- Phẫu thuật cắt thuỳ nông tuyến mang tai

- Phẫu thuật cắt thuỳ sâu tuyến mang tai

- Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến mang tai

Hiện tại, Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Bưu điện đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật cắt u tuyến nước bọt mang tai có sử dụng kính hiển vi. Phương pháp này giúp bộc lộ rõ dây thần kinh VII, tránh làm tổn thương các nhánh dây thần kinh, hạn chế tối đa biến chứng liệt mặt.

Người bệnh có nhu cầu thăm khám, tư vấn, điều trị các bệnh lý tuyến nước bọt vùng đầu cổ hoặc tai – mũi – họng vui lòng liên hệ: Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bưu điện (số 49 Trần Điền, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội).

Hotline: 0243 640 4083.

Ảnh: Kíp BS khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Bưu điện đã phẫu thuật thành công u tuyến nước bọt mang tai cho nhiều người bệnh.

 

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai